Jump to content

Hong Giang

Vovinam Digital
  • Posts

    54
  • Đã tham gia

  • Lần truy cập gần nhất

  • Days Won

    3

Bài viết trên blog posted by Hong Giang

  1. Hong Giang
    Môn  phái  Vovinam - Việt Võ Đạo do Cố võ sư Nguyễn Lộc sáng tạo tại Hà Nội, Việt Nam. Ông sinh ngày 24-5-1912 (nhằm mồng tám, tháng tư, năm Nhâm Tý), nguyên quán ở làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), ông là trưởng nam của cụ ông Nguyễn Đình Xuyến và cụ bà Nguyễn Thị Hòa.
    Từ thuở nhỏ, ông Nguyễn Lộc đã say mê luyện võ và vật dân tộc. Trưởng thành trong thảm cảnh đất nước bị thực dân Pháp chiếm đóng, ông có ước vọng dùng võ thuật để góp phần xây dựng một thế hệ thanh niên có tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, khỏe mạnh và khả năng tự vệ. Thế nên, ngoài việc trau dồi văn hóa, ông còn nghiên cứu nhiều môn võ khác nhằm hình thành môn võ mới phù hợp với thể tạng của người Việt Nam (mảnh khảnh nhưng nhanh lẹ, dẻo dai) và đặt tên là Vovinam. Sau khi công trình nghiên cứu hoàn thành vào mùa thu năm 1938, ông đã huấn luyện thử nghiệm cho một số thân hữu. Ngót một năm sau, ông đưa lớp môn sinh này ra mắt quần chúng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Cuộc biểu diễn thành công rực rỡ và lớp tập Vovinam công khai đầu tiên khai giảng tại Trường Sư Phạm Hà Nội vào mùa xuân năm 1940. Từ đó, nhiều lớp võ liên tục được mở ra ở Hà Nội và vài tỉnh lân cận như Nam Định, Sơn Tây, Thanh Hóa…

    Sáng tổ Nguyễn Lộc và Chưởng môn Lê Sáng - Ảnh tư liệu
    Chương trình huấn luyện thời kỳ này chia thành ba cấp (sơ, trung, cao đẳng) chú trọng cả ba nội dung (võ thuật, võ lực, võ đạo), nhưng không mấy ai học quá ba năm, một phần vì thời cuộc, một phần vì bận học hành, mưu sinh. Từ thập niên 50, Vovinam được phổ biến tại Sài Gòn, Gia Định, Biên Hòa, Đà Lạt. Nhưng công việc mới khởi đầu và còn đầy khó khăn thì ông Nguyễn Lộc qua đời vào ngày 29-4-1960 (nhằm mồng bốn, tháng tư, năm Canh Tý, hưởng dương 49 tuổi) tại Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM), sau khi trao nhiệm vụ Chưởng môn lại cho môn đệ trưởng tràng là Võ sư Lê Sáng. Hiện di cốt Cố Võ sư Nguyễn Lộc đang được bảo quản tại số 31 đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, Tp.HCM.
    Thừa kế những ý tưởng của Cố Võ sư Nguyễn Lộc, Võ sư Chưởng môn Lê Sáng cùng Võ sư Trần Huy Phong, Nguyễn Văn Thư, Mạnh Hoàng, đã sắp xếp lại bộ máy, chương trình huấn luyện, thi cử, đẳng cấp mang tính khoa học và hiện đại hơn. Tuy nhiên, do chế độ VNCH hạn chế hoạt động của các võ phái nên trong giai đoạn từ 1961-1963, Vovinam chỉ dạy ở vài trường trung học tư thục như: Chân Phước Liêm, Thánh Thomas và đến năm 1964 Vovinam mới được khôi phục. Nhờ thế, phong trào dần dần phát triển mạnh tại hầu hết các tỉnh phía Nam. Từ khi lớp huấn luyện được mở ra trong các trường học (khoảng năm 1966),  danh  xưng Vovinam được bổ sung thành Vovinam-Việt Võ Đạo để thanh thiếu niên chú trọng đến tinh thần dân tộc khi luyện võ hầu hoàn chỉnh bản thân về ba phương diện: Tâm,  Trí, Thể nhằm phục vụ cho dân tộc và nhân loại. Và theo chân các du học sinh, bộ môn Vovinam xuất hiện ở một số nước châu Âu từ năm 1973. Do hoàn cảnh của đất nước, sau một năm tạm lắng, một số võ sư, huấn luyện viên đã tập hợp và ôn luyện tại Quận 8, Tp.HCM, sau đó đi biểu diễn ở vài nơi khác...
    Ngày 15-12-1978, lớp Vovinam-Việt Võ Đạo chính thức khai giảng tại hồ bơi Hòa Bình, quận 8 do Võ sư Nguyễn Văn Chiếu hướng dẫn, mở đầu quá trình khôi phục bộ môn trong thành phố. Và từ khoảng thời điểm này đến giữa thập kỷ 80, một số võ sư ở các tỉnh như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên… cũng xin phép mở lớp huấn luyện. Vovinam-Việt Võ Đạo được mời tham dự đợt Hội Thao Võ Thuật do Viện Khoa học Giáo dục và trường Cao đẳng Thể dục Trung Ương 2 tổ chức tại Tp.HCM (6/1980); huấn luyện cho Lớp nghiên cứu Võ thuật phía Nam của Cục Cảnh vệ Bộ Nội Vụ (Khóa tập trung 4 tháng -1985). Năm 1989, Hội Việt Võ Đạo Tp.HCM thuộc Liên Đoàn Võ Thuật Tp.HCM được thành lập, đây là sự kiện đáng chú ý vì có ảnh hưởng đến chuyên môn, nhân sự cùng với sự quan tâm của các tỉnh thành khác đối với bộ môn Vovinam. Trước sự hồi phục của phong trào  và những cố gắng của các Võ  sư Trần Huy Phong, Nguyễn Văn Chiếu trong việc thể thao hóa bộ môn, Vovinam được Tổng Cục Thể dục Thể thao (nay là Ủy Ban Thể dục Thể thao) đưa vào chương trình Hội diễn Kỹ thuật khu vực 3 (1990). Cũng trong năm này, 4 võ sư của Tp.HCM (Nguyễn Văn Chiếu, Lê Thanh Liêm, Tô  Mạnh  Hòa,  Nguyễn Anh Dũng) được mời sang Belarus biểu diễn, đồng thời cử người lưu lại huấn luyện.

    Sáng tổ Nguyễn Lộc (đứng giữa) cùng các môn đệ: Nguyễn Văn Thông, Trần Đức Hợp, Lê Sáng, Bùi Thiện Nghĩa, Nguyễn Văn Hách, Nguyễn Dần (Sài Gòn, 1955). – Ảnh tư liệu.
    Nhằm tạo điều kiện cho Vovinam-Việt Võ Đạo phát triển, ngành thể dục thể thao các tỉnh, thành và Tổng Cục TDTT đã cho tổ chức giải vô địch cấp tỉnh, thành phố và toàn quốc từ năm 1992. Vài năm sau còn có thêm các giải Khu vực, giải Trẻ, Thiếu niên nhi đồng, giải Hội khỏe Phù Đổng (học sinh), giải quốc tế. Nội dung tranh tài bao gồm: Hội diễn kỹ thuật và thi đấu đối kháng cá nhân. Trải qua 10 giải vô địch cấp quốc gia, số đoàn tham dự ngày càng đông, trình độ vận động viên ngày một tiến bộ; đặc biệt, từ năm 1997, vận động viên giành thành tích cao tại giải vô địch toàn quốc đã được Uỷ Ban TDTT phong cấp kiện tướng như các môn thể thao khác. Những đơn vị mạnh ở giải toàn quốc trong giai đoạn đó là: Tp.HCM, Khánh Hòa, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Quân Đội. Về lĩnh vực quản lý và chuyên môn, Tổng Cục TDTT đã thành lập Ban Điều hành Vovinam-Việt Võ Đạo vào tháng 4-1995. Hàng năm, Ban Điều hành đều tổ chức hội nghị chuyên môn để các võ sư ôn tập, thống nhất chương trình huấn luyện, từng bước hoàn chỉnh luật thi đấu đối kháng, luật hội diễn kỹ thuật, nghiệp vụ trọng tài, biên soạn sách kỹ thuật, băng hình thống nhất các bài diễn quốc gia. Song song đó, 3 lớp tập huấn đào tạo huấn luyện viên Vovinam ở tỉnh Thanh Hóa, Hà Tây, Quảng Bình dành cho các tỉnh phía Bắc đã tạo điều kiện cho khu vực này xây dựng bộ môn và dần dần hòa nhập vào phong trào chung. Tính đến tháng 12-2001, Vovinam quy tụ khoảng 30.000 môn sinh thường xuyên luyện tập tại hầu hết các tỉnh thành phía Nam và một số tỉnh phía Bắc. Trên bình diện quốc tế, các võ sĩ của Tp.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quân Đội... từng được ngành TDTT cử đi tham dự nhiều cuộc Liên hoan Võ thuật truyền thống quốc tế tại Thái Lan, CHLB Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản. Những tiết mục biểu diễn hấp dẫn và nghệ thuật của Vovinam đã góp phần giúp bè bạn năm châu hiểu thêm  về đất nước và con người Việt Nam, được người xem nhiệt liệt tán thưởng và giới võ thuật thế giới quan tâm. Võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã được mời sang Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Đức huấn luyện. Một số quốc gia đã mở lớp tập Vovinam như Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Rumani, Ba Lan, Bỉ, Morocco, Algérie, Belarus…; trong đó, phong trào Vovinam ở Pháp, Tây Ban Nha, Ý…  phát triển khá tốt.
    Với tinh thần "Uống nước nhớ nguồn", nhiều đoàn môn sinh nước ngoài đã về đất Tổ để viếng Cố Võ sư Sáng tổ Môn phái, chào Võ sư Chưởng Môn, tập huấn kỹ thuật, thi thăng đai hoặc tham dự 4 kỳ Hội diễn Vovinam-Việt Võ Đạo quốc tế (1998-2001) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với những thành quả bước đầu trong hơn 25 năm qua, Vovinam-Việt Võ Đạo được Uỷ Ban TDTT Việt Nam đưa vào nội dung thi đấu chính thức tại Đại Hội TDTT toàn quốc lần IV năm 2002. Đây là cả quá trình hy sinh, vượt khó của tập thể Võ sư, HLV và môn sinh trong cả nước dưới sự lãnh đạo của ngành TDTT. Và cho đến năm 2011, Vovinam chính thức lần đầu tiên trở thành một môn thi đấu tại SEA Games lần thứ 26 (tại Jakarta, Indonesia), với 14 bộ huy chương và tạo được ấn tượng tốt về tính sáng tạo của các bài quyền. Hai năm sau, tại kỳ SEA Game thứ 27 ở Myanmar, môn võ mang thương hiệu Việt này tiếp tục xuất hiện trong danh mục các môn thi đấu, thậm chí được tăng số bộ huy chương lên đến con số 18. Thời điểm đó, những tưởng Vovinam sẽ sớm trở thành một môn thể thao quen mặt ở các kỳ tranh tài Đông Nam Á. Nhưng rồi liên tiếp 3 kỳ SEA Games tiếp theo, vì những lý do khách quan khác nhau nên Vovinam đều vắng mặt. Và chỉ đến năm 2022, Vovinam mới trở lại sân chơi khu vực khi Việt Nam là chủ nhà của SEA Games 31.
    Đấu trường SEA Games chính là nơi phản ánh chính xác chặng đường gian nan mà Vovinam phải đối mặt khi muốn hướng ra sân chơi quốc tế. Việc các nước khác giành được nhiều huy chương sẽ là động lực phát triển Vovinam về lâu dài trên đất nước của họ. vì vậy, cần phải có chiến lược cụ thể để không chỉ tiếp tục quảng bá Vovinam ở trong nước mà còn phải phát triển ra với bạn bè trong khu vực nói riêng và quốc tế nói chung, thu hút đông đảo các quốc gia tham gia tập luyện, thúc đẩy phong trào ngày một phát triển hơn nữa. Từ đó, làm cơ sở, nền tảng vững chắc để Vovinam trở thành môn thể thao không chỉ thường xuyên có mặt tại các kỳ SEA Games, mà trong tương lai còn ở cả các đại hội thể dục thể thao của châu lục và thế giới.
    Đến nay, từ một môn phái mới manh nha tại Hà Nội, Vovinam-Việt Võ Đạo đã phát triển và thăng hoa trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Và đặc biệt, nó đã được truyền bá ra nhiều các quốc gia khác trên thế giới; Vovinam-Việt Võ Đạo đã đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc bảo tồn và phát huy truyền thống võ học dân tộc; trở thành một môn võ Việt Nam hiện đại, khoa học, thực tiễn, thu hút sự ủng hộ của nhiều giới trong nước và quốc tế. Sự chung tay góp sức của các võ sư, của mỗi môn sinh trên khắp mọi miền từng ngày đang làm nên một khí chất Việt Nam kiên cường, bất khuất, đầy tự hào.
     
  2. Hong Giang
    Tại Seagames 32, thành tích thi đấu nội dung võ cổ truyền của Việt Nam – Vovinam đã bị “thống trị” bởi các vận động viên (VĐV) đến từ nước chủ nhà Campuchia. Một trong những vận động viên góp sức cho thành tích ấn tượng trên của đoàn thể thao Campuchia là nữ võ sĩ Pal Chhor Raksmy – người có vốn tiếng Việt rất tốt. Cô có thể hiểu được tới 90% ngôn ngữ tiếng Việt mà các chuyên gia Vovinam Việt Nam truyền đạt.

    Nữ võ sĩ Pal Chhor Raksmy. (Ảnh cắt từ video)
    Nội dung môn Vovinam SEA Games 32 diễn ra khá sôi động ở khu F Trung tâm Hội nghị Chroy Changvar, Phnom Penh (Campuchia) từ ngày 6-9/5. Các võ sĩ tham gia tranh tài ở 30 nội dung bao gồm 8 nội dung đối kháng và 22 nội dung biểu diễn. Kết thúc các nội dung, đoàn Vovinam Campuchia là đội tuyển có thành tích tốt nhất khi giành 10 HCV, 8 HCB và 9 HCĐ.
    Bên cạnh thành tích của các đoàn, một trong những điều khiến khán giả bất ngờ là khả năng nói tiếng Việt lưu loát của nữ võ sĩ Pal Chhor Raksmy. Tại Seagames 32, cô đã đoạt được 3 HCV, gồm 2 nội dung cá nhân và 1 nội dung tập thể. Với vốn tiếng Việt có âm điệu Nam bộ, Pal Chhor Raksmy đã tự tin trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam như một người bản địa. Cô cho biết có thể hiểu được tới 90% những gì mà các thầy HLV cùng các chuyên gia Vovinam huấn luyện mình cũng như giao tiếp tốt với các đồng nghiệp khi nói về Vovinam.
    Mối lương duyên với Vovinam
    Pal Chhor Raksmy kể, năm 22 tuổi, cô mới làm quen với môn võ này nhưng khi đã đam mê và thấy môn thể thao tích hợp. Bởi vậy, cô quyết tâm rèn luyện để đạt được những thành tích chuyên môn tốt nhất. Cô là một trong những môn đệ đầu tiên của Vovinam tại Campuchia, khi võ phái Việt Nam này được truyền bá vào đất nước “xứ chùa tháp” giai đoạn năm 2010.

    Vo_si_Vovinam_Campuchia.mp4  Nữ VĐV Pal Chhor Raksmy tự tin trả lời bằng tiếng Việt với báo giới (Clip: webthethao.vn). Trước đó, cô xuất thân là môn đệ của phái võ Taekwondo từ khi mới 18 tuổi. Trong 4 năm sau, cô lập gia đình và cảm nhận mình không còn đủ sức khỏe để vừa có thể làm mẹ và vừa tiếp tục theo đuổi nghiệp võ đài.
    Nhưng với niềm đam mê với thể thao, một lần nữa, cô lại có cơ duyên với một võ thuật mới mẻ đối với người dân Campuchia: võ cổ truyền Việt Nam – Vovinam. Khi đó, cô đang làm trợ lý cho ông Rat Sokhorn – doanh nhân gốc Việt, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Campuchia – vừa được thành lập.
    Từ khi chuyển sang Vovinam, cô như “cá gặp nước”. Nhờ chịu khó tập luyện, cô giành ngay 3 huy chương bạc ở nhiều hạng mục ở Giải vô địch thế giới Vovinam năm 2011 tại TP.HCM. Sau đó giành tiếp 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc tại SEA Games 26 ở Indonesia. Những năm sau đó, cô đều gặt hái huy chương SEA Games lẫn thế giới.
    Mong muốn Vovinam phát triển trên xứ chùa tháp
    Ở tuổi 37, Pal Chhor Raksmy tự nhận không còn sự sung sức nhất. Nhưng với những đòn võ kỹ thuật của Vovinam, cô và các đồng đội luôn tập luyện khá kỹ. Đặc biệt, Liên đoàn Vovinam Việt Nam đã cử chuyên gia có chuyên môn tốt nhất tới giúp đỡ đội tuyển Vovinam Campuchia. Nhờ đó, Pal Chhor Raksmy được thêm cơ hội tập luyện, rèn kỹ về chuyên môn.
    Khi được hỏi về khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt, cô tự tin chia sẻ có thể hiểu được tới 90% những điều mà các thầy HLV cùng các chuyên gia Vovinam Việt Nam huấn luyện.
    “Trong lần tập huấn đầu tiên tại Việt Nam, tôi là vận động viên cuối cùng còn ở lại theo lịch tập cùng với thầy Nguyễn Văn Chiếu (nguyên là Chánh Chưởng Quản Hội Đồng Võ Sư Chưởng Quản Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo). Vì thế, tôi đã phải dùng internet để chuyển ngữ nhằm trao đổi, luyện tập với thầy được hiệu quả nhất. Tôi đã tự trau dồi vốn tiếng Việt như thế vào các đợt tập huấn sau đó. Có lẽ nhờ thế nên bản thân mới có lợi thế tập Vovinam thuận lợi hơn” – Pal Chhor Raksmy nhớ lại.
    Tuy không viết được tiếng Việt, nhưng cô có thể đọc được vì hệ chữ tiếng Việt là chữ Latin. Cô cũng bày tỏ niềm tin rằng nếu các võ sĩ Campuchia tiếp tục tập luyện chăm chỉ, thi đấu ấn tượng sẽ có ngày Vovinam đi vào cả chương trình thể thao học đường ở xứ sở chùa tháp.
    Theo thông tin từ Liên đoàn thể thao Campuchia, mức thưởng cao sẽ dành cho các vận động viện đoạt huy chương thế giới hoặc SEA Games. Mức thưởng mà Raksmy nhận được cho việc giành huy chương vàng thế giới hoặc SEA Games sẽ từ 5.000-40.000 USD tùy từng năm.
    “Với hơn 10 năm tập luyện, cùng sự chăm chỉ của bản thân và sự dạy dỗ tận tình của huấn luyện viên, môn võ Vovinam giống như cả cuộc đời tôi và cũng giúp tôi đổi đời. Tôi muốn được dạy môn võ này cho các bạn trẻ Campuchia. Muốn được thấy Vovinam phát triển trên quê hương tôi”, Raksmy nói.
    (Nguồn: webthethao.vn)
     
     
  3. Hong Giang
    Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Trâm của Trường Tiểu học Hồng Hà (Bình Thạnh, TP.HCM) đã vượt qua 14 VĐV để giành HCV tại Giải vô địch Vovinam thế giới lần VII diễn ra vào tháng 11/2023 tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM).

    Giải vô địch Vovinam thế giới lần VII năm 2023 đang diễn ra tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) từ 24 – 30/11. Giải đấu thu hút 650 VĐV đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài ở 44 bộ huy chương gồm 26 nội dung quyền và 18 hạng cân đối kháng. Ảnh: Lê Giang.

    Vận động viên Nguyễn Thị Ngọc Trâm là đại diện của đội tuyển Vovinam Việt Nam tranh tài ở nội dung Long hổ quyền nữ. Ảnh: Lê Giang.

    Cô gái sinh năm 1992 này thể hiện bài thi xuất sắc đạt 275 điểm để vượt qua 14 vận động viên hàng đầu thế giới để lên ngôi vô địch một cách xứng đáng. Ảnh: Lê Giang.

    Giành được tấm HCV thế giới đầu tiên trong sự nghiệp, Ngọc Trâm chia sẻ: “Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được góp mặt và tham gia thi đấu cho đội tuyển Vovinam quốc gia”. Ảnh: Lê Giang.

    Nói về cơ duyên khi đến với bộ môn này, Trâm cho biết năm 14 tuổi, cô bắt đầu luyện tập Vovinam. Sau đó, cô được lên đội tuyển, cống hiến cho Vovinam Vĩnh Long khoảng 12 năm. Khi lập gia đình tại TP.HCM, cô ngừng tập luyện tại đây. Đầu năm 2020, Trâm quay lại làm huấn luyện và luyện tập cho đội tuyển Vovinam TP.HCM. Sau 2 năm, cô được triệu tập lên đội tuyển quốc gia và thi đấu tại SEA Games 31 năm 2022 tại Việt Nam. Kể từ đó cô là gương mặt nòng cốt bởi thành tích luôn được duy trì ổn định ở các giải cấp quốc gia với những tấm HCV. Ảnh: Lê Giang.

    Ngọc Trâm hiện là giáo viên môn Giáo dục thể chất tại Trường Tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình tập luyện, cô Trâm cho biết nghề giáo viên giờ giấc vốn chặt chẽ. Trong khi đó, cô phải thường xuyên tập luyện. Vậy nên, chu toàn cả 2 việc là điều không dễ dàng. Ngọc Trâm luôn cảm thấy may mắn khi nhận được sự ủng hộ của các thầy cô, học trò và gia đình. Ảnh: LĐ Hồng Hà.

    Nói về dự định trong tương lai, Ngọc Trâm mong muốn bộ môn Vovinam được phát triển trong nhà trường, các câu lạc bộ, cao hơn là tổ chức học ngoại khóa. “Hiện tại, trường tôi đang phát triển các bộ môn khác như nhịp điệu, cờ vua. Tôi mong trong tương lai, bộ môn Vovinam này cũng được phát triển, mở rộng. Trường đã tổ chức được 1 cuộc thi võ nhạc, sắp tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động bổ ích này cho học sinh”, Trâm chia sẻ. Ngày 14/11/2023, Liên đội Tiểu học Hồng Hà tổ chức Hội thi Võ nhạc Vovinam – Flashmob dành cho các bạn học sinh Khối 4. Hội thi đã thu hút sự tham gia của 10 đội thi với sự dàn dựng công phu, chu đáo và nhiều màu sắc. Ảnh: LĐ Hồng Hà.

    Chia sẻ về thành tích của cô giáo Ngọc Trâm, cô Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Hà, cho biết: “Cô Trâm là giáo viên trẻ, năng động, nhiệt tình, luôn cố gắng để đạt được thành tích cao. Nhà trường rất vui, tự hào, vinh dự khi có giáo viên tham dự đội tuyển Vovinam quốc gia và mang về vinh quang cho đất nước, thành phố cũng như phía nhà trường”. Ảnh: LĐ Hồng Hà.

    Tại SEA Games 32 trên đất Campuchia vào tháng 5 /2023, Ngọc Trâm cũng góp mặt. Cô thi đấu ở nội dung Song dao pháp và mang về cho đoàn thể thao Việt Nam chiếc HCB. Trước đó, tại SEA Games 31 ở Việt Nam, Trâm giành được HCĐ. Ảnh: Lê Giang.
    (Nguồn: Báo Dân Việt)
  4. Hong Giang
    Dáng người dong dỏng cao, quắc thước. Vầng trán rộng, gò má cao, khuôn cằm nở. Nét mặt trầm mặc, cương nghị với ánh mắt sáng của lối nhìn thẳng, sắc và sâu thẳm một niềm tin mãnh liệt. Giọng nói uy nghiêm, trầm ấm cùng với nụ cười cởi mở, thân mật của tấm lòng khoan dung, độ lượng. Ðó là những nét độc đáo của một nhân dáng siêu phàm - một bậc thầy tôn quý, đấng sinh thành của một Môn Phái Võ Ðạo, với sứ mệnh duy trì, bảo vệ và phát triển truyền thống võ học hào hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Một người tiên phong đầy tính khai phá và sáng tạo trong cuộc chinh phục vĩ đại nhất của thế kỷ: Chiến thắng sự yếu kém của thể chất và tinh thần con người trước mọi hoàn cảnh. Nhân cách siêu phàm đó chính là hình ảnh bất diệt của Cố Võ Sư NGUYỄN LỘC - vị Sáng Tổ của môn phái võ thuật VOVINAM - VIỆT VÕ ÐẠO.

            Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc sinh ngày 8 tháng 4 năm Nhâm Tý (24/05/1912) tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội), ông là trưởng nam của cụ ông Nguyễn Đình Xuyến và cụ bà Nguyễn Thị Hòa. Ông lớn lên trong thảm cảnh mất nước, giữa lúc các phong trào cách mạng và các đảng phái hoạt động lan tràn trên khắp đất nước. Một bên, các nhà chí sĩ cách mạng âm thầm vận động, cổ súy tinh thần yêu nước trong quốc dân để thúc đẩy nhân dân vào con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Một bên, bọn thực dân thống trị dùng mọi thủ đoạn ru ngủ quần chúng, đem lợi danh ra mua chuộc, ngụy trang bằng cái vỏ tự do, phóng khoáng của văn hoá Âu Tây, để huyễn hoặc, ru ngủ các lớp thanh thiếu niên, biến họ thành đạo quân tiền phong của phong trào xa hoa, phóng đãng và trụy lạc, khiến các nhà ái quốc khó có đất mà gieo mầm cách mạng, chống đối chính quyền thống trị.
            Giác ngộ, vượt ra khỏi hai xu hướng trên, ông phản đối và lên án gắt gao dã tâm của thực dân thống trị, nhưng ông cũng không vội tán thành chủ trương sắt máu của các cuộc nổi dậy theo xu hướng bạo lực. Không phủ nhận nguyên lý cách mạng, song ông quan niệm muốn đưa cuộc Cách mạng Dân Tộc đến chỗ thành tựu, cần gây dựng cho các tầng lớp thanh thiếu niên có được một ý thức cách mạng, một tinh thần quật cường, một nghị lực quả cảm, song song với đó là một thân thể khỏe mạnh, đanh thép, rắn chắc, có sức lực mạnh mẽ dẻo dai, có đầy đủ khả năng tự vệ.
            Làm cách mạng để tiến tới thành công là một điều rất khó, song bảo vệ thành quả cách mạng để bước sang giai đoạn kiến thiết lại là điều khó hơn. Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc muốn hun đúc, rèn giũa để cống hiến cho đất nước những người con ưu tú có đầy đủ năng lực, trí tuệ, sức mạnh và nhất là ý chí tất thắng. Với quan niệm đó, ông chú trọng hướng dẫn thanh niên về mặt Tâm Thân Cách Mạng chứ không hướng dẫn họ hoạt động như cách các đoàn thể cách mạng khác đề xướng.
            Mang hoài bão lớn lao ấy, nên ngoài việc trau dồi học vấn và đạo đức, ông còn nỗ lực sưu tầm, học hỏi, luyện tập hầu hết các môn võ thuật và ông nhận thấy, môn võ nào cũng có những ưu điểm riêng của nó. Song nếu chỉ đem phổ biến một phương pháp nào thôi, đối với thể trạng mảnh khảnh, nhỏ bé của người Việt thì khó mà đạt được kết quả như ý muốn. Hơn nữa, trong mọi cuộc chiến đấu, vấn đề tinh thần và danh dự vẫn là hai yếu tố quan trọng để quyết định sự thành bại. Bởi vậy, ngoài phần võ thuật và tinh thần võ đạo ông còn muốn ràng buộc các môn đệ sau này của ông vào danh dự của Tổ quốc, nghĩa là thanh niên Việt Nam phải có phương pháp tự vệ mang danh dân tộc Việt Nam, tiêu biểu cho tinh thần tự chủ bất khuất của tiền nhân để khi chiến đấu sẽ phát huy được cái hùng khí, bất khuất… quyết đem vinh quang về cho Tổ Quốc, cho môn phái.
            Một môn sinh Vovinam với tư cách cá nhân có thể rất hiền lành, nhã nhặn, song khi bắt buộc mang danh nghĩa dân tộc và môn phái để chiến đấu với đối thủ thì chỉ có thể hoặc chiến thắng vinh quang, hoặc chết vẻ vang chứ không chịu làm nhục Quốc Thể và tổn thương danh dự môn phái. Với luận cứ đó, ông đã lấy môn vật và võ cổ truyền Việt Nam làm nòng cốt, khai thác mọi tinh hoa võ thuật đã có trên thế giới để sáng tạo thành môn phái riêng, đặt tên là VOVINAM. Cuộc nghiên cứu hoàn tất. Ông đã bí mật đem Vovinam ra huấn luyện cho một số thân hữu cùng lứa tuổi vào năm 1938.
            Ngót một năm sau, mùa thu năm 1939, ông đem lớp võ sinh đầu tiên công khai ra mắt dân chúng tại nhà hát lớn Hà Nội. Cuộc biểu diễn thành công rực rỡ, nên bác sĩ Ðặng Vũ Hỷ là Trưởng hội Thân Hữu Thể Dục Thể Thao đương thời mời ông Nguyễn Lộc cộng tác, tổ chức những lớp dạy võ công khai cho thanh niên Hà Nội. Nhận lời mời, vị sáng tổ Vovinam khai giảng lớp võ công khai đầu tiên vào mùa xuân 1940 tại trường sư phạm (Ecole Normal) Hà Nội. Sau đó nhiều lớp võ liên tiếp được mở ra. Môn sinh Vovinam thới đó rất tiến bộ nhờ phương pháp huấn luyện tinh vi và khoa học, nhờ tinh thần đạo đức dân tộc sáng chói của môn phái và nhất là nhờ ảnh hưởng trực tiếp cái gương uy vũ bất năng khuất của Võ sư Nguyễn Lộc.
            Mùa thu 1940, trong buổi biểu diễn võ thuật do hội Thân Hữu Thể dục Thể Thao tổ chức, có một viên chức Pháp là Ducoroy chủ toạ. Vì Ducoroy đại diện cho thực dân thống trị ngồi trên khán đài nên ông Nguyễn Lộc không cho môn sinh nghiêm lễ ngoài sân như thường lệ mà lại dẫn vào hậu trường nghiêng mình làm lễ trước bàn thờ Tổ quốc. Rồi đến giữa cuộc biểu diễn, vị Hội trưởng mời ông Nguyễn Lộc lên khán đài để Ducoroy gắn tặng huy chương. Nhưng khi rời khán đài ông điềm nhiên gỡ tấm huy chương bỏ vào túi, tiếp tục điều khiển cuộc biểu diễn. Tất cả các hành động kể trên không những làm bẽ mặt chức quyền bảo hộ, mà còn gây xúc động tâm lý sâu xa về ý thức Quốc Gia trong giới thanh niên, nhất là các môn sinh Vovinam.
            Từ đó Vovinam luôn châm ngòi cho các phong trào công khai chống Pháp trong quảng đại quần chúng. Môn phái Vovinam không phải là một đoàn thể chính trị, nên không hoạt động chính trị. Tuy nhiên môn phái Vovinam không xâm phạm tới quyền công dân của các môn sinh nên cũng không ngăn cấm các môn sinh làm chính trị với tư cách công dân của họ.
            Mặc dầu mục đích của môn phái Vovinam nhằm xây dựng con người trên căn bản võ thuật và tinh thần võ đạo chứ không phải hoạt động chính trị và công tác xã hội. Nhưng khi vận mệnh đất nước đòi hỏi, môn phái Vovinam sẵn sàng hợp sức với chính quyền hoặc các đoàn thể ái quốc để thực hiện công cuộc cứu quốc và cứu tế xã hội, với tinh thần vị tha vô diều kiện. Tuy nhiên, sự chung sức hợp tác này (nếu có) không có nghĩa rằng Môn phái Vovinam đã phục vụ cho cá nhân hay tập thể nào, mà đó chỉ là phục vụ cho dân tộc trong công cuộc ích quốc lợi dân, rồi sau đó lại trở về với mục đích quảng bá võ thuật và tinh thần võ đạo của môn phái Vovinam.
            Chính vì quan điểm trên, võ sư Nguyễn Lộc đã nhận lời cộng tác với chính phủ Trần Trọng Kim, cũng như không ngăn cấm các môn đệ tham gia hoạt động chính trị ái quốc với tư cách công dân. Vovinam đã cộng tác với các đoàn thể ái quốc tổ chức các ngày quốc lễ, như: Giổ tổ Hùng Vương, kỷ niệm Hai Bà Trưng, các công cuộc cứu tế xã hội trong chương trình cứu trợ nạn đói, triệt hạ tượng đồng tại các vườn hoa Paul Bert, Canh Nông... tại Hà Nội. đồng thời rất nhiều lớp võ tự vệ được mở ra ở trường Sư Phạm, Trường Bưởi, Việt Nam Học Xá, sân tập Ấu Trĩ Viên, Bãi Septo, Bãi Nhà Ðèn... Ngoài ra, hai đoàn đặc biệt được thành lập, đó là: Ðoàn “Võ sĩ cảm tử” gồm các thanh niên võ sinh có sức vóc vạm vỡ hăng say hoạt động; và đoàn “Anh hùng ngày mai” gồm các võ sinh thiếu niên dưới 18 tuổi. Cùng lúc đó, một lớp võ đại chúng chuyên luyện cách sử dụng gậy và mã tấu được mở ra tại Việt Nam Học Xá, thu hút hàng chục ngàn học viên để hun đúc lòng tự tôn và tinh thần võ đạo trong quảng đại quần chúng.
            Sự hâm mộ Vovinam trong quần chúng thời đó biểu đạt bằng khẩu hiệu: “Không học Vovinam không phải là người yêu nước”. Tinh thần ái quốc và tiềm lực dân tộc được khởi động và dần bộc lộ. Tháng 4/1945, từng đợt võ sư được tung đi khắp toàn quốc để quảng bá môn phái Vovinam và giúp cho các thanh thiếu niên có một lợi khí chống xâm lăng hữu hiệu. Ngày 19/12/1946 cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, môn đồ Vovinam đã tham gia cuộc kháng chiến của dân tộc chống thực dân Pháp với lòng hăng say, nhiệt huyết của người công dân yêu nước. Do đó, rất nhiều môn đồ Vovinam đã oanh liệt đền nợ nước và một số người đã trở thành những cấp chỉ huy nổi tiếng trong những ngày đầu kháng chiến của dân tộc.
            Trên đường tản cư, võ sư Nguyễn Lộc đã cùng môn đệ mở ra những lớp huấn luyện cho mọi tầng lớp quân - dân - chính, như: Lớp võ cho thanh niên toàn huyện Thạch Thất, lớp sĩ quan trường quân chính Trần Quốc Tuấn, các lớp dân quân, du kích, lớp võ cho Tiểu đội trưởng và Trung đội trưởng ở Chuế Lưu, ở trại Thanh Hương, Ðan Hà, Ðan Phú... Sau đó, ông cùng các môn đệ trở lại Hà Nội, tái mở những lớp võ cho thanh niên để gây dựng lại phong trào học Vovinam. Kiến thiết lại đời sống xã hội, khơi lại lòng tin yêu của thanh niên trong việc tu dưỡng tinh thần, rèn luyện thể xác.
            Năm 1951, cộng tác với một số nhân sĩ, ông thành lập Việt Nam Võ Sĩ Ðoàn và gây lại phong trào học Vovinam khá sôi nổi bằng những lớp võ đại chúng tại sân trường Hàng Than, Hà Nội. Tháng 8 năm 1954, võ sư Nguyễn Lộc và gia đình di cư vào Sài Gòn cùng một số môn đệ thân tín. Trong số đó, có năm người sau này lên hàng võ sư là: Lê Sáng, Phan Dương Bình, Nguyễn Dần, Trần Đức Hợp và Hà Trọng Thịnh. Sau đó ông tổ chức một lớp võ dành riêng cho các môn đệ từ Hà Nội vào, một số sau này trở thành võ sư, như: Bùi Thiện Nghĩa, Nguyễn Văn Thông, Lê Trọng Hiệp, Lê Văn Phúc…
              Võ đường đầu tiên được khai giảng tại Miền Nam Việt Nam, tọa lạc tại số 51 đường Frères Louis, nơi này cũng là nơi võ sư Trần Huy Phong đến tập huấn với võ sư Nguyễn Lộc. Sau đó được đổi về đường Aviateur Garot, hay còn gọi là võ đường Thủ Khoa Huân. Võ đường này có thể nói là võ đường quan trọng nhất của võ sư Nguyễn Lộc. Môn sinh lên tới hàng trăm người, đại đa số các võ sư danh tiếng sau này đều xuất thân từ võ đường này.
    Chỉ trong 6 năm (1954-1960) tại miền Nam, võ sư Nguyễn Lộc đã gây dựng được một nền văn hóa võ thuật quý giá và đã đào tạo được một thế hệ thanh niên ưu tú, tràn đầy lý tưởng, đầy đủ khả năng để có thể thay ông tiếp tục mở rộng con đường mà ông đã vạch ra. Đó là xây dựng một đại phái Vovinam-Việt Võ Đạo cho dân tộc và cho nhân loại. Trong những môn sinh được đào tạo trong giai đoạn này gồm có: Trần Huy Phong, Phạm Hữu Độ, Nguyễn Văn Thư, Ngô Hữu Liễn, Trần Thế Phượng, Nguyễn Văn Nuôi (tự Phúc), Nguyễn Gia Tuấn… Sau này, các lớp tại đường Thủ Khoa Huân được dời về đường Nguyễn Khắc Nhu (Quận 1). Sau một thời gian, ông tạm ngưng dạy võ, về trú ngụ tại Building Everest (đường Đinh Công Tráng, gần Ngã Sáu Sài Gòn), chú tâm nghiên cứu võ công và xây dựng một hệ thống triết học cho Vovinam. Theo đó, ông cho phép các môn đệ mở võ đường với tính cách độc lập, còn ông chỉ đứng vai trò cố vấn.
              Võ sư Nguyễn Lộc là người rất nghiêm nghị, nhưng cũng rất cởi mở và phóng khoáng. Ông chủ trương cải tiến văn hoá, sống văn minh, từ chối mọi thói câu nệ lễ nghi và quan cách. Chính vì thế ông yêu cầu các môn đệ kêu ông bằng anh, hành xử thẳng thắn, diễn đạt dõng dạc, xử sự phóng khoáng, tinh thần độ lượng, thích phiêu lưu, cần mẫn học hành… và lấy sự hùng dũng của con nhà võ làm căn bản. Ông không muốn các học trò của mình phải khúm núm quỳ lạy, vâng dạ, xưng con và thưa thầy như đa số các môn phái võ học thời bấy giờ. Ông quan niệm rằng, ông là người khai sáng Vovinam là để xây dựng một thế hệ thanh niên bất khuất, yêu nước và hữu ích cho xã hội, nên ông coi các môn đệ như là các chí hữu của mình. Tinh thần tân tiến và khoa học này đã khiến Vovinam trở thành một bộ môn võ thuật, thể dục và thể thao quần chúng, mở rộng đến tất cả các thanh thiếu niên thuộc mọi thành phần. Vovinam không giấu giếm, không huyền bí, không chọn lọc hoặc dành riêng cho một thiểu số như đa phần các võ phái ở Việt Nam vào thời ấy. Nhờ thế Vovinam-Việt Võ Đạo đã không bị tụt hậu mà ngược lại đã trở thành một môn phái có bề thế đáng kể như ngày nay.
              Về phương diện tổ chức, ông không câu nệ trên dưới, không tổ chức bộ máy quản lý nặng nề. Ông ưa chuộng tính đơn giản và dành ưu tiên cho các sinh hoạt có hiệu quả, hầu dễ đạt mục đích. Chính vì thế trong suốt thời điểm xây dựng môn phái từ năm 1938 đến năm 1960, Vovinam không có chức vụ chưởng môn. Riêng ông chỉ nhận là võ sư sáng tạo Vovinam mà thôi. Mặc dù Vovinam là công trình của cá nhân ông và do ông sáng lập, nhưng ông quan niệm rằng, công trình này phải được hiến dâng cho dân tộc và nhân loại, theo đúng với lý tưởng mà ông đã theo đuổi. Chính vì thế, theo tâm nguyện của ông, môn phái Vovinam không được coi như là một tập hợp của riêng ông hoặc của gia đình ông, mà phải là một gia tài của nền văn hoá võ thuật Việt Nam. Một tập thể mà tất cả các võ sư và các môn sinh đều có quyền theo đuổi và đóng góp như trong một đại gia đình.
              Riêng về lĩnh vực giảng huấn, ông rất kỹ lưỡng và chăm sóc từng môn sinh tùy theo năng khiếu kỹ thuật cũng như trình độ văn hoá. Trong việc huấn luyện võ thuật, chỉ có ông mới được truyền dạy các đòn thế mới, các phụ tá chỉ có bổn phận ôn luyện mỗi khi ông vắng mặt mà thôi. Các môn đệ có trình độ văn hoá, có khả năng lãnh đạo thì được ông hướng dẫn sinh hoạt riêng về các lĩnh vực như: xã hội, chính trị, lãnh đạo, tâm lý… ngoài ra ông thường khuyến khích các môn sinh tham gia các sinh hoạt đoàn thể ngoài giờ học võ. Chính nhờ thế mà đa số các võ sư do ông đào tạo, đều là những võ sư kiện toàn cả văn lẫn võ và có vị thế trong xã hội.
              Trong hai năm: 1958, 1959, khi võ sư Nguyễn Lộc bắt đầu mệt mỏi và dời về nhà người em của ông là Nguyễn Hải, dưỡng bệnh tại Building Everest. Ông cho phép các môn đệ như: Lê Sáng, Trần Huy Phong, Nguyễn Gia Tuấn, Nguyễn Văn Nuôi, Nguyễn Văn Thư… thành lập Trung tâm Huấn luyện Vovinam Trung Ương, đặt trụ sở tại đại lộ Trần Hưng Đạo (Quận 5) và các chi nhánh tại đường Trần Khánh Dư (Tân Định), khu vực sau chùa Ấn Quang (Quận 10), đường Sư Vạn Hạnh và đường Phan Đình Phùng. Vào thời điểm đó, võ sư Lê Sáng là người có tuổi tác và có thâm niên nhất, nên được gọi là võ sư Trưởng, tức có nghĩa là võ sư đàn anh.
              Võ sư Nguyễn Lộc từ giã cõi trần ngày 30 tháng 04 năm 1960 (tức 04 tháng 04 năm Canh Tý) tại Sài Gòn và được an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Ông để lại 9 người con, gồm 3 trai và 6 gái. Tuy chỉ hưởng dương 48 tuổi, nhưng ông đã để lại một sự nghiệp phi thường. Các truyền nhân của ông đã thực hiện được ý nguyện và mục đích mà ông hằng ấp ủ, đó là xây dựng môn phái Vovinam thành một đại phái, đi vào quảng đại quần chúng với triết lý sống cao cả cho con người.
              Ngày nay Vovinam-Việt Võ Đạo đã trở thành một trong những môn võ học tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam, nó đã được phổ biến ra khắp thế giới, không phân biệt màu da, chủng tộc; không phân biệt biên giới, quốc gia; cũng như không phân biệt tôn giáo, chính kiến. Các môn đệ và truyền nhân của công cùng với các thế hệ võ sư hiện tại đang tiếp tục cuộc hành trình mà ông đã bắt đầu, đưa Vovinam thành cách sống của người Việt Nam và của những người yêu mến văn hoá Việt Nam trên toàn thế giới.
×
×
  • Create New...