Jump to content

CẢM NHẬN CHUYẾN ĐI PHA LUÔNG 2024


Bài viết được đề xuất

  • Vovinam Digital

Những câu chuyện được chia sẻ, những nỗi niềm được nói ra - Lũng Vân 2023. Tiếp theo, điều ngọt ngào gì khiến tôi tìm kiếm ở Pha Luông 2024.


Chúng tôi 21 người lớn, 4 trẻ em và Bơ bắt đầu di chuyển từ tờ mờ sáng sau chuyến xe đêm hướng Hà Nội - Sơn La. Những con dốc xuyên suốt dọc đường đi, hai bên đôi khi là ruộng ngô, đôi khi là vách đá hay con suối. Thỉnh thoảng sẽ bắt gặp vài ngôi nhà gỗ, những chú chó thi nhau ra sủa, phá đi cái không gian tĩnh lặng của sớm mai.


Sau gần 2 giờ đồng hồ đi bộ, chúng tôi tập kết tại một ngôi trường nhỏ - nơi hoạt động thiện nguyện sẽ diễn ra. Từ ngoài nhìn vào bên phải sân trường có một chiếc đu quay hình quả trứng trông khá lạ mắt, cạnh đấy có hai cái cầu trượt màu vàng với nhiều vệt xước, một trong hai chiếc có một vết rách lớn, nom có vẻ cần phải sửa chữa để các cháu vui chơi. Dần dần mấy chiếc xe máy khá thô sơ, chằn đằng sau, nhét đằng trước các bao tải, túi, bên trong là quần áo, cặp sách, thực phẩm..., những thứ này chúng tôi đã tập kết ở điểm xuống chuyến xe khách. Trên sân lúc này đã rất đông, tiếng nhạc, tiếng nói chuyện, bên ngoài cổng rất nhiều người dân đứng nhìn vào trong qua bức tường cao chừng một mét, thỉnh thoảng có tiếng xe máy chạy qua. Thú thực, tôi thích cái không khí của chuyến đi trước đó hơn, bên trong căn nhà sàn các cháu ngồi trật tự nghe chúng tôi hát, biểu diễn võ, cạnh cửa có một cụ bà ngồi vừa trông vào trong vừa cười, rồi một ít sách vở và ít bánh kẹo phát cho các cháu, thật nhẹ nhàng và ấm cúng. Lần này, nhiều quần áo, cặp sách được trao tặng đến các cháu và phụ huynh, nhiều tình cảm được gửi gắm từ miền xuôi lên miền núi cao hẻo lánh, từ người kinh đến người dân tộc, những người con chung một dòng máu Việt Nam.


Sớm hôm sau, chúng tôi dậy sớm, ăn uống và chuẩn bị trước cho bữa trưa để bắt đầu leo đỉnh Pha Luông. Thầy bắt đầu lên tinh thần cho mọi người trong đoàn bằng những khẩu hiệu "bỏ cuộc, bỏ cuộc, bỏ cuộc; quay đầu, quay đầu, quay đầu...", sau một trận cười sảng khoái thì đoàn bắt đầu di chuyển. A Páo dẫn đường, ngay sau là Thầy, cuối cùng người chốt đoàn là a Tùng. Có một cái lán nhỏ trên đường lên đỉnh, không có tên nên tôi gọi nó là "lán quay xe", đây chỉ là đoạn khởi động của hành trình và những chuyến trước đó không ít người đã bỏ cuộc tại đây, khá là thuận lợi cho chúng tôi khi không có ai quay xe cả.


Hướng về phía rừng xanh thẳm, Bơ háo hức len lỏi qua những bước chân của chúng tôi, rồi dừng lại, ngồi xuống và hướng mắt về nhóm người đi sau, đợi khi bị bắt kịp nó lại tiếp tục với cái dáng chạy loắt choắt, có vẻ nó nghĩ rằng mình đang đóng vai trò người dẫn đoàn chăng? Đường bắt đầu khó đi dần, những đoạn dốc, rồi dốc đứng, rồi cả đoạn dài toàn là dốc. Thỉnh thoảng tôi vẫn rướn nhìn lên phía trên và thấy bé Mi đang khóc, không biết mẹ nó nói gì mà nó lại miễn cưỡng tiếp tục đi, tất nhiên là vẫn cứ khóc. Mọi người cười đùa rôm rả, cũng lắm câu tôi nghe lỏm được và cười soái hết hàm, chẳng hạn như "không có slonpas đâu, dán tạm tờ 500k vào cho đỡ đau nhé", "mọi người ơi, cứt, cứt nữa, cứt tiếp đấy"...Tôi thì thích ngắm cảnh vật xung quanh hơn.Ven đường đi, những hòn đá bám đầy rêu xanh và dương xỉ, những cây tre thân chỉ bằng ngón tay nhưng lá dài cả hai gang tay, những thân cây màu xanh xám có loang những ô trắng cao vút đâm xuyên qua tán rừng, đôi khi là là những thân cây khúc khuỷu già nua trông như nó đã ở đây cả nghìn năm vậy. Lúc này tâm hồn trở nên thuần khiết, đầu óc thật an lành, đúng là Mùa đông dễ làm cho chúng ta hạnh phúc, còn màu xanh có thể chữa lành mọi thứ.


Tôi thều thào ngồi xuống trên con dốc để nghỉ ngơi cùng mọi người, phía dưới xa con dốc là dáng đi bấp bênh của chị Hạnh, từng bước chậm chạp, chồng chị ta đang cầm máy ảnh cạnh tôi. Trông cũng tội, mọi người vẫn ngồi im đợi, bỗng thầy hét lớn "Huyền Hạnh!, hai ba, Huyền Hạnh!" Mặc kệ chuyện tránh gọi lớn tên ai đó trong rừng chúng tôi đồng thanh hét lớn "Huyền Hạnh, lên đỉnh, Huyền Hạnh, lên đỉnh..." vừa hét lớn vừa phì cười, trong một thoáng tôi thấy da mình co rúm lại, mặt nóng lên, tim đập nhanh hơn. Đâu phải cứ ngọn núi nào cao nhất mới gọi là đỉnh, chẳng phải chúng ta vừa vượt qua một ngọn núi cao hay sao, ngọn núi của sự đoàn kết, của lòng dũng cảm. Hãy nhớ nhé, mỗi lần muốn bỏ cuộc nhưng rồi vẫn tiếp tục, mỗi lần đau chân tập tễnh nhưng vẫn tiến về phía trước là chúng la đã vượt qua một đỉnh núi rồi đấy.


Trên đỉnh Pha Luông, gió thổi những làn mây lành lạnh lướt qua chúng tôi, tất cả mọi người đã thay đồ và mặc vào bộ võ phục. Bên cạnh vực sâu, bó hoa cúc vàng được cắm trên khóm cỏ, tôi có kê hai hòn đá để vững chãi hơn, bên cạnh là hai gói bánh và những quả quýt đặt lên trên. Mọi người xếp thành hàng, chân trần, yên lặng, thầy thắp hương và bắt đầu nói gì đó, tôi nghe rất rõ, cảm xúc thật khó tả, thứ gì đó đang nén trong lòng tôi và muốn bật tung ra. Không hề như trong những lần ở đền, chùa mọi người vẫn cầu xin tiền tài, sức khỏe cho mình hay người thân. Giữa đất trời, gió và mây, những con người đang chắp tay cầu nguyện kia như được gần với thần linh, với tổ tiên nhất, những lời nguyện cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam của Thầy như đang được lắng nghe và tiếp nhận, chân thành và gần gũi, mạnh mẽ và đầy quyết tâm như con đường của Vovinam Việt võ đạo.


Bây giờ đã gần đến thời khắc giao thoa của năm dương lịch 2023-2024, chúng tôi đã xuống núi và về đến chỗ nghỉ lúc chạng vạng tối. Đúng 0h00 ngày 1/1/2024, pháo hoa nổ, mọi người đi vòng quanh đống lửa bắt tay và gửi lời chúc mừng đến nhau thật xôm xả. Tất nhiên rồi, đêm đặc biệt chỉ có ở Vovinam Thanh Xuân, những mảnh chuyện trong cuộc sống hằng ngày, những trải nghiệm của chuyến đi, chúng tôi sẽ trải lòng với nhau suốt đêm. Tôi ngồi nghe chăm chú, thỉnh thoảng lại nhớ ra là mình phải lấy nước nóng cho vào ấm trà, rồi lại ngay ngắn ngồi vào, quanh bếp lửa, anh Tuấn, anh Tùng, Nga, Phương, Hằng, MC Thực đã kể những câu chuyện của mình. Rồi thầy nói, đến Quyết, tất nhiên rồi, bao nhiêu cảm xúc đang nhảy tung tăng trong lòng tôi đây. Tôi kể lại từ chuyện ngắm nhìn rừng núi, cỏ cây cho đến cảm xúc khi làm lễ cùng mọi người trên đỉnh, từ chuyện năng lượng của chị Quyên nhiều như nước sông Đà cho đến thầy phàn nàn mọi người tắm lâu tắm chậm. Thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ một vài câu hài hước để mọi người phá lên cười.


Lần này tôi đã quyết định kể câu chuyện sâu trong lòng mình. "Em đã từng chân đất, đầu trần đội mưa tầm tã đi bộ từ chỗ làm về nhà." Rồi tôi cố nói tiếp nhưng bị chặn đứng ngay cổ họng, xương quai hàm cứng ngắt. Tôi cứ nghĩ rằng những cảm xúc lúc xưa đã bị khóa lại, nguội lạnh vì đã được bao bọc bởi lớp băng vĩnh cửu nhưng có lẽ không phải vậy. Tôi dám nói ra tại đây bởi khi nghe câu chuyện về áp lực công việc và cuộc sống từ mọi người, tôi muốn nói rằng những thứ đó chả là gì cả so với thứ tôi đã trải qua, vì vậy bạn hãy nhìn và coi những áp lực hiện tại của bạn một cách nhẹ nhàng, để vượt qua, để vui vẻ, để yêu cuộc sống hơn.


Uống một ngụm trà, tôi cố cất giọng tiếp nhưng vẫn không được, hơi khom người về phía trước, tay trái chống lên đùi, bàn tay chống vào cằm, cuối cùng thì cũng gặng giọng nói được thêm một chút, tạm coi là xong câu chuyện của mình, trong lòng nhẹ nhõm hơn, thì ra tôi không mạnh mẽ như tôi nghĩ, vẫn không làm chủ được cảm giác đó.


Rồi những câu chuyện đầy tiếng cười của Toán, lửa bắt đầu nhỏ dần, người bắt đầu thưa, chỉ còn lại phân nửa, có lẽ mọi người mệt quá nên đã chợp mắt trên gác rồi. Những câu chuyện sau cùng của các anh chị, những người có nhiều kinh nghiệm, đầy rẫy vấp ngã và thành công, thẳng thắn và sâu sắc, đi vào nhiều vấn đề dễ mắc phải của thế hệ trẻ. Nhưng tiếc rằng không phải tất cả mọi người đều được nghe, đêm nay thật không trọn vẹn.


Ngọn lửa bắt đầu tàn, những câu chuyện cũng kết thúc, khoảng 6h sáng tôi leo lên gác tranh thủ đặt lưng một chút, các anh chị vào bếp chuẩn bị đồ ăn sáng cùng những người vừa ngủ dậy. 30 phút sau chúng tôi ăn sáng. Tôi, Thực và Thoại pha chung một bát to, 3 gói mì tôm và đầy ắp giò heo. Tiếp tục hành trình đi bộ quay trở về chỗ xe khách, vẫn những con đường dốc, trời nắng, đi được một lúc thì da mặt tôi như bị thô ráp, nóng ran. Có vẻ như không cần nhưng tôi vẫn đi sau vài bạn nữ, luôn sẵn sàng để có thể giúp đỡ, ai cũng mệt, Bơ cũng không còn thoăn thoắt và háo hức như lúc leo đỉnh nữa.


Chiếc xe bon bon chạy giữa trời nắng, trên xe nhiều người đã cạn hết năng lượng, nước sông Đà đôi lúc cũng chảy chậm rãi, yên lặng, mọi người đê mê chợp mắt cho đến lúc xe dừng ở Bản Lác. Đói và mệt rã người, nồi lẩu ngon nhất từ đầu năm đến giờ, tôi ăn đến khi thay nước và thay cả bình ga.


Ăn uống no say xong, chúng tôi tôi tổng kết chuyến đi để về Hà Nội. Mọi thứ diễn ra khá bất ngờ, Thầy nghiêm túc, phê bình những người đã bỏ ngang buổi chia sẻ đêm hôm trước. Rõ ràng những người ở lại sau cùng đêm hôm trước có cảm giác không được tôn trọng, tôi cũng có một chút cảm giác như vậy. Những lời xin lỗi được nói ra, người Thầy lúc nãy nghiêm nghị giờ thỉnh thoảng cũng xen vào vài câu bông đùa để làm dịu không khí, có lẽ Thầy đã tha thứ cho học trò của mình trước lúc ông trách móc, hoặc Thầy chưa hề trách móc những đứa con của mình, bởi tuổi trẻ ai chẳng có sai lầm, điều quan trọng là nhận diện được sai lầm đó để không phạm phải nó thêm lần nào nữa.


Vậy thì hãy tiếp tục câu chuyện đêm khuya nhé, không ai sẽ bị bỏ quên, không ai sẽ bị bỏ lại phía sau cả. Vợ chồng anh Trường, chị Quyên, rồi những giọt nước mắt chị Huyền Hạnh, những câu chuyện của các anh chị để thấy được thế hệ trẻ chúng ta cần phải làm gì để tiến bộ, làm gì để những chuyến đi, những trải nghiệm sẽ là động lực là kiến thức giúp đỡ chúng ta trong cuộc sống, và để thấy hậu phương của Thầy, của a Tuấn đã phải hi sinh những gì, Thầy đã bao dung, dốc tâm sức với chúng ta ra sao. Rồi những đứa con Thanh Xuân sẽ là người tử tế.

Em rất là cám ơn đến những chia sẻ của a Trường, hai chị Hạnh, chị Quyên dành cho chúng em - những người trẻ. Em vẫn nhớ câu của anh chị, lúa chín thì cúi đầu, nhưng lúa non thì phải đâm thẳng, mạnh mẽ vươn lên, để thấy được mặt trời, để người ta thấy được mình. Những người trẻ chúng ta phải có kiến thức, phải có sự tự tin, có quan điểm của riêng mình, mạnh mẽ, không nên máy móc, rập khuôn.


Về những góp ý của các anh chị cho thầy thì em cũng thấy khá hợp lý. Tuy nhiên như thầy đã nói Thanh Xuân chúng ta, già có, trẻ có, sinh viên, người đi làm, trình độ nhận thức khác nhau.


Em nghĩ rằng những chuyến đi như này không phải là đi chơi, mà còn hơn cả đi chơi, chúng ta đi trải nghiệm những nơi đẹp, làm những điều tốt. Chúng ta không chỉ đi một mình, hai mình mà hơn cả thế chúng ta đi với bộ lạc của mình.
Về "Chia sẻ đêm khuya", em vẫn mong nó được tự nhiên nhất có thể, nơi mà mọi người thay vì "ngại, khó chịu" thì hãy là "muốn" được chia sẻ. Thay vì "khuôn phép" thì hãy là "mở", liệu tiết sắp tới có bài kiểm tra thì những giờ ra chơi trước đó tụi trẻ có hồn nhiên vui chơi, đùa giỡn hay là chúng lại lo lắng, sợ sệt, bồn chồn. Em vẫn tin tưởng là Thầy sẽ căn đủ liều lượng để mỗi chuyến đi là những trải nghiệm vui, bổ, khỏe.

Môn sinh Trần Ngọc Quyết (Lam đai)

Pha Luông....jpg

  • Like 1
Link to comment
Chia sẻ trên các trang web khác

×
×
  • Create New...